Nghệ An (Quỳ Hợp): Vụ án chủ rừng vướng lao lý, thành phần giám định có hợp pháp?
Thực hiện trước 3 ngày mới có quyết định giao nhiệm vụ
Sau nhiều lần bị hoãn, sáng ngày 24/6/2025, TAND huyện Quỳ Hợp,tỉnh Nghệ An sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Lê Văn Thành (tạm trú tại bản Tăng, xã Nam Sơn, huyện Quỳ Hợp) bị Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) huyện Quỳ Hợp truy tố về hành vi hủy hoại rừng quy định tại điểm b khoản 3 Điều 243 Bộ luật Hình sự.
Theo hồ sơ tài liệu, căn cứ Quyết định trưng cầu giám định số 88/QĐ-TCGĐ ngày 12/5/2023 của Cơ quan CSĐT Công an huyện Quỳ Hợp, Trung tâm Tư vấn và Phát triển lâm nghiệp đã ra Quyết định số 05/QĐ-TV&PTLN-TH ngày 21/5/2023 về việc giao thực hiện nhiệm vụ giám định:“Tiêu chí rừng,trạng thái, trữ lượng, diễn biến rừng từ tháng 4 năm 2023 đến tháng 5 năm 2023 tại tiểu khu 330, khu vực Khe Cọ, xã Bắc Sơn, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An”, trong đó thành phần gồm: Ông Mai Văn Võ (Giám định tư pháp theo vụ việc theo Quyết định số 4212/QĐ-BNN-PC ngày 05/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; ông Trần Đức Đô và ông Nguyễn Văn Dương là thành viên, cán bộ kỹ thuật thực hiện nhiệm vụ theo sự phân giao của tổ trưởng).
Tài liệu thể hiện các cán bộ thực hiện chuyên môn nghiệp vụ giám định khi chưa có quyết định giao thực hiện và thành phần giám định trong biên bản là chưa hợp pháp.
Theo biên bản kiểm tra hiện trường được lập ngày18/5/2023 về việc lập ô tiêu chuẩn, ô tiêu chuẩn đối chứng, xác định trạng thái rừng trước khi rừng bị hủy hoại, khối lượng gỗ đã bị khai thác... thể hiện trong suốt quá trình thực hiện chuyên môn nghiệp vụ lập ô tiêu chuẩn, ô tiêu chuẩn đối chứng, ông Mai Văn Võ không có mặt tại hiện trường. Có nghĩa là toàn bộ quá trình thực hiện nghiệp vụ lập ô tiêu chuẩn, ô tiêu chuẩn đối chứng, xác định trạng thái rừng vào ngày 18/5/2023 là do 02 cán bộ kỹ thuật (ông Trần Đức Đô, Nguyễn Văn Dương) thực hiện.
Theo Trung tâm tư vấn và phát triển Lâm nghiệp, việc lập ô tiêu chuẩn, ô tiêu chuẩn đối chứng là một trong các bước thực hiện giám định, giám định viên (ông Mai Văn Võ) có thể tham gia hoặc phân công cán bộ trong Hội đồng thực hiện chứ không bắt buộc giám định viên phải tham gia.
Tuy nhiên thời điểm (ngày 18/5/2023) ông Trần Đức Đô và Nguyễn Văn Dương thực hiện công tác nghiệp vụ lập ô tiêu chuẩn,ô tiêu chuẩn đối chứng thì Trung tâm tư vấn và phát triển Lâm nghiệp chưa ban hành quyết định giao thực hiện nhiệm vụ giám định và ông Mai Văn Võ cũng chưa ký kết hợp đồng thuê khoán chuyên môn với Trung tâm Tư vấn Phát triển lâm nghiệp (Thể hiện tại Quyết đinh số 05/QĐ-TV&PTLN-TH ngày 21/5/2023).
Theo Quyết định số 05/QĐ-TV&PTLN-TH ngày 21/5/2023, các ông Mai Văn Võ, Trần Đức Đô, Nguyễn Văn Dương thực hiện nhiệm vụ từ ngày 21/5/2023 đến hết ngày 13/6/2023.
Căn cứ vào 02 văn bản nêu trên (Biên bản ngày 18/5/2023 và Quyết định số 05) có thể khảng định ông Trần Đức Đô, ông Nguyễn Văn Dương thực hiện việc lập ô tiêu chuẩn, ô tiêu chuẩn đối chứng... chưa phải là thực thi nhiệm vụ theo sự phân công của Trung tâm Tư vấn và Phát triển lâm nghiệp hoặc từ ông Mai Văn Võ như Trung tâm Tư vấn và Phát triển lâm nghiệp đã giải thích.
Có vi phạm luật khi chưa được giao nhiệm vụ giám định?
Trao đổi với phóng viên về việc tuân thủ các quy định pháp luật khi thực hiện công tác giám định, Luật sư Bùi Xuân Lai (nguyên Thẩm phán TAND tỉnh Nam Định) cho biết: “Qua nghiên cứu hồ sơ tài liệu có trong vụ án, đặc biệt là bước đầu thực hiện công tác giám định đã thể hiện rất rõ hành vi vi phạm Khoản 1 Điều 11 Luật Giám định tư pháp Luật số: 13/2012/QH13 năm 2012 được sửa đổi bổ sung năm 2020 của cán bộ thuộc Trung tâm Tư vấn và Phát triển lâm nghiệp (ông Trần Đức Đô và Nguyễn Văn Dương). Bởi vì các cán bộ (nêu trên) không phải là giám định viên tư pháp, thực hiện nghiệp vụ giám định (ngày 18/5/2023) khi chưa có Quyết định phân công nhiệm vụ của tổ chức được trưng cầu giám định. Hành vi này không những trái với các quy định tại Luật Giám định tư pháp mà còn có dấu hiệu vi phạm trình tự, thủ tục, thẩm quyền trong khi thi hành công vụ được quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 208/2013/NĐ-CP quy định về các hành vi bị nghiêm cấm đối với người thi hành công vụ”.
Cũng theo Luật sư Bùi Xuân Lai, xét về nội dung, biên bản kiểm tra hiện trường ngày 18/5/2023 là không đảm bảo về tính pháp lý khi có viện dẫn Quyết định trưng cầu giám định số 88/QĐ-TCGĐ ngày 12/5/2023, của Cơ quan CSĐT Công an huyện Quỳ Hợp làm căn cứ pháp lý. Bởi vì đến ngày 21/05/2023 tổ chức được Cơ quan CSĐT Công an huyện Quỳ Hợp trưng cầu giám định (theo Quyết định số 88/QĐ-TCGĐ) là Trung tâm Tư vấn và Phát triển lâm nghiệp mới ban hành Quyết định số: 05/QĐ-TV&PTLN-TH về việc giao thực hiện nhiệm vụ cho các cá nhân sau khi đã ký kết hợp đồng thuê khoán chuyên môn với Giám định viên tư pháp là ông Mai Văn Võ (hợp đồng ký ngày 20/5/2023).
Do vậy thành phần đoàn tham gia lập biên bản kiểm tra hiện trường ngày 18/5/2023 theo mục V của biên bản là: Cơ quan giám định Trung tâm Tư vấn và Phát triển lâm nghiệp, Viện Điều tra quy hoạch rừng gồm ông Mai Văn Võ (Giám đinh vụ việc tư pháp), ông Trần Đức Đô, ông Nguyễn Văn Dương (cán bộ kỹ thuật) là thành phần không hợp pháp vì Quyết định số 05/ QĐ-TV&PTLN-TH chưa được ban hành. Hay nói cách khác đoàn giám định (thời điểm ngày 18/5/2023) là không chính danh, chưa kể đến việc ông Mai Văn Võ là Giám định viên tư pháp cũng không có mặt tham gia giám định (như đã nêu ở trên). Do vậy Biên bản kiểm tra hiện trường ngày18/5/2023 phải được coi là không có giá trị về pháp lý và không được coi là một trong các tài liệu được thu thập hợp pháp, đúng luật, đúng trình tự để thực hiện giám định.
Tài liệu thể hiện, biên bản ngày 18/5/2023 đã có trước khi có quyết định giao thực hiện nhiệm vụ giám định của Trung tâm Tư vấn và Phát triển lâm nghiệp.
Đây là một “mấu chốt” rất quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án, rất cần được Hội đồng xét xử lưu tâm, đánh giá, công khai, minh bạch tại phiên tòa sắp tới.
Luật Giám định tư pháp số 13/2012/QH13 sửa đổi bổ sung bởi Luật số 56/2020/QH14 ngày 10 tháng 6 năm 2020
Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Từ chối đưa ra kết luận giám định tư pháp mà không có lý do chính đáng.
2. Cố ý đưa ra kết luận giám định tư pháp sai sự thật.
...
Điều 11. Quyền và nghĩa vụ của giám định viên tư pháp
1. Thực hiện giám định theo trưng cầu, yêu cầu của người trưng cầu, người yêu cầu giám định hoặc theo sự phân công của cơ quan, tổ chức được trưng cầu, yêu cầu.
...
Nghị định 208/2013/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2013
Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Đối với người thi hành công vụ:
a) Vi phạm trình tự, thủ tục, thẩm quyền trong khi thi hành công vụ;
...
Bộ luật Tố tụng hình sự 2015
Điều 87. Nguồn chứng cứ
...
2. Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự.
Nguồn: https://lsvn.vn/nghe-an-quy-hop-vu-an-chu-rung-vuong-lao-ly-thanh-phan-giam-dinh-co-hop-phap-a159369.html
{comment}