Vụ hủy hoại rừng ở KrôngPa:Căn cứ viện dẫn“buộc tội”bị bãi bỏ vì nhiều diện tích là “rừng trên giấy”
Theo Luật sư, một trong những căn cứ được cơ quan tố tụng viện dẫn (Nghị quyết 100/NQ-HĐND ngày 07/12/2017 của HĐND tỉnh Gia Lai) khẳng định khu vực bị hủy hoại là rừng để buộc tội các bị cáo đã bị bãi bỏ vì nhiều diện tích chỉ là “rừng trên giấy” không có trong thực tế. Đây là một tình tiết rất quan trọng để chứng minh khu vực bị hủy hoại không phải là rừng như cáo buộc.
Tranh cãi trái chiều về khu vực bị hủy hoại
Ngày 13/01/2025, Toà án nhân dân (TAND) huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đã đưa vụ án hủy hoại rừng xảy ra vào tháng 10/2018 tại xã Chư Drăng ra xét xử sơ thẩm (xét xử lại) tuy nhiên phiên tòa đã bị hoãn và dự kiến được mở lại vào ngày 07/02/2025.
Trước đó, ngày 26/3/2024, do chưa có đủ căn cứ để đánh giá chính xác đối với tính chất mức độ hành vi ban đầu của từng đối tượng, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm (TAND tỉnh Gia Lai) đã quyết định hủy Bản án sơ thẩm số 27/2023/HS-ST của TAND huyện Krông Pa và chuyển hồ sơ về Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) huyện Krông Pa để tiến hành điều tra lại.
Còn tại Bản ản sơ thẩm số 27/2023/HS-ST ngày 25/08/2023 TAND huyện Krông Pa đã tuyên phạt bị cáo Lê Hoàng Phúc, Lục Văn Khoa, Lê Văn Tuyển với các mức án phạt tù lần lượt là 42 tháng, 27 tháng và 24 tháng tù giam về hành vi hủy hoại tài sản theo khoản 2 Điều 243 Bộ luật Hình sự.
Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai cho rằng việc xác định khu vực bị hủy hoại có phải là rừng thì cần phải căn cứ vào tiêu chí xác định rừng do Chính phủ, Bộ NN&PTNT quy định để xác định trên cơ sở đo đếm các chỉ tiêu thực tế hiện trạng khu vực bị phá.
Vụ án này thu hút sự chú ý của dư luận không chỉ vì các bị cáo kháng cáo kêu oan mà còn bởi nhiều tranh cãi pháp lý về việc khu vực bị hủy hoại có phải là rừng như cáo buộc.
Một trong các căn cứ được Luật sư Nguyễn Văn Thắng (người bảo vệ cho bị cáo Lê Hoàng Phúc tại phiên tòa sơ thẩm) viện dẫn là Văn bản số: 341/ SNNPTNT- CCKL ngày 25/2/2019 của Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai trả lời cho Cơ quan CSĐT Công an huyện Krông Pa: "Theo Bản đồ quy hoạch 03 loại rừng kèm theo Nghị quyết số 100/NQ-HĐND ngày 07/12/2018 của HĐND tỉnh Gia Lai là rừng tự nhiên thường xanh phục hồi nhưng ngoài thực tế thì cần phải căn cứ vào tiêu chí xác định rừng do Chính phủ, Bộ NN&PTNT quy định để xác định trên cơ sở đo đếm các chỉ tiêu thực tế hiện trạng khu vực bị phá".
Còn theo Cáo trạng số 45/CT–VKS ngày 30/09/2024, Cơ quan CSĐT Công an huyện Krông pa phối hợp với VKSND, Hạt Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba và bị can Lê Văn Tuyển tiến hành khám nghiệm hiện trường và đối chiếu với quyết định số 693/QĐ–UBND ngày 03/12/2014 của UBND tỉnh Gia Lai về việc phê duyệt kết quả kiểm kê rừng năm 2014 xác định tại vị trí nơi hiện trường 30.000m2 rừng bị chặt phá hủy hoại là đất rừng.
Nội dung này phù hợp với bản đồ quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025 tầm nhìn 2030 xã Chư Drăng, huyện Krông Pa đã được HĐND tỉnh Gia Lai thông qua tại Nghị Quyết số 100/NQ-HĐND ngày 17/12/2017. Kết quả xác định tổng diện tích bị hủy hoại là 30.000m2 (3ha) vị trí lại lô 3 khoảnh 3 tiểu khu 1396 thuộc địa giới xã Chư Drăng là loại rừng sản xuất, trạng thái TXP (rừng gỗ tự nhiên núi đất lá rộng thường xanh hồi phục).
Nghị quyết số 453/NQ-HĐND tỉnh Gia Lai ngày 11/12/2024 Quyết nghị bãi bỏ Nghị quyết 100/ NQ-HĐND ngày 07/12/2017 và Nghị Quyết số 45/ NQ-HĐND ngày 10/08/2021.
Nghị quyết số 100/NQ-HĐND còn nhiều bất cập
Tại kỳ họp thứ 24 vừa qua HĐND tỉnh Gia Lai đã thông qua Nghị quyết bãi bỏ toàn bộ Nghị quyết số 100/NQ-HĐND ngày 7/12/2017 của HĐND tỉnh về việc thông qua kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 tỉnh Gia Lai. Đồng thời HĐND tỉnh cũng thông qua việc bãi bỏ toàn bộ Nghị quyết số 45/NQ-HĐND ngày 10/8/2021 của HĐND tỉnh điều chỉnh Nghị quyết số 100/NQ-HĐND ngày 07/12/2017 của HĐND tỉnh Gia Lai về việc thông qua kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 tỉnh Gia Lai.
Tại buổi họp báo thường kỳ quý II của UBND tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Văn Lộc, Phó Chánh phụ trách Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai cho biết, Nghị quyết 100/NQ-HĐND được ban hành năm 2017 có nhiều “sạn”, nhiều diện tích là “rừng trên giấy”, không có trong thực tế, nên điều chỉnh quy hoạch rừng sẽ giúp công tác bảo vệ, phát triển rừng tại tỉnh thực chất hơn.
Bản đồ hiện trạng được các cơ quan ban ngành ký xác nhận thể hiện diện tích đất tại lô 3 khoảnh 3 tiểu khu 1396 (khu vực bị cáo buộc hủy hoại) là đất không có rừng.
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Ngô Thanh Quảng (người bảo vệ cho các bị cáo Phúc tại phiên tòa phúc thẩm) cho biết theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; khoản 3 điều 3 Nghị định 34/2016/NĐ-CP được bổ sung bởi Khoản 1 Điều 1 Nghị định 154/2020/NĐ-CP thì Nghị quyết 100 của HĐND tỉnh Gia Lai về việc thông qua kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh Gia Lai không phải là văn bản quy phạm pháp luật.
Tại thời điểm vụ án xảy ra, Nghị quyết số 100 được HĐND tỉnh Gia Lai thông qua, nhưng không được UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt bởi các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều nội dung tại nghị quyết này có nhiều sai sót, không phù hợp và 04 năm sau đã được điều chỉnh bởi Nghị quyết số 45/NQ-HĐND ngày 10/8/2021. Do vậy cơ quan tố tụng viện dẫn Nghị quyết 100 khẳng định khu vực bị hủy hoại là rừng để buộc tội các bị cáo vừa không đảm bảo nguyên tắc áp dụng pháp luật mà còn thiếu cơ sở pháp lý, bởi vừa qua HĐND tỉnh Gia Lai đã bãi bỏ Nghị quyết 100 và cả Nghị quyết số 45.
Các cơ quan ban ngành của tỉnh Gia Lai cũng đã thừa nhận là có “nhiều sạn” và nhiều diện tích chỉ là rừng trên giấy. Đây là một tình tiết mới rất quan trọng để chứng minh khu vực lô 3 khoảnh 3 tiểu khu 1396 (khu vực Công ty Phúc Phong tổ chức phát dọn thực bì theo biên bản bàn giao hiện trạng của Ban Quản lý rừng phòng nộ Nam Sông Ba) không phải là rừng như cáo buộc.
Nguồn: https://lsvn.vn/vu-huy-hoai-rung-o-krong-pa-can-cu-vien-dan-buoc-toi-bi-bai-bo-vi-nhieu-dien-tich-la-rung-tren-giay-a152981.html
{comment}