Phủ Dầy (Nam Định): Ai 'tiếp tay' cho vi phạm treo biển tên di tích?

Theo Luật sư, Văn bản số 812/DSVH-DT ngày 11/10/2021 của Cục Di sản văn hoá là văn bản hướng dẫn (trả lời) không mang tính quy phạm, không có hiệu lực pháp luật thực thi và đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến những “lùm xùm” trong việc treo biển tên di tích tại Phủ Tiên Hương.

Từ đơn kiến nghị đến chỉ đạo ‘khẩn’ từ Chính phủ

Ngày 18/10/2023, người dân thôn Vân Cát, xã Kim Thái, Huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị về việc quản lý di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy. Trong đơn có nội dung phản ánh về hiện tượng treo biển tên gọi tuỳ tiện, không đúng với Quyết định xếp hạng như phủ Tiên hương, phủ Vân Cát... Điều này đã gây ra không ít khó khăn trong công tác quản lý, cũng như ảnh hưởng đến tình hình chính trị, an toàn xã hội tại địa phương.

 

Tấm biển có chữ Phủ Chính tại một cổng ra vào của Phủ Tiên Hương (ảnh chụp ngày 05/12/2023).

Ngày 20/11/2023, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 9064/VPCP – KNVX truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Nam Định theo chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền được giao khẩn trương chỉ đạo việc quản lý bảo vệ phát huy giá trị di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Phủ Dầy (bao gồm cả việc treo tên di tích) theo Luật Di sản văn hoá, quyết định xếp hạng di tích quốc gia, bảo đảm sự đồng thuận và đoàn kết trong cộng đồng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 25/12/2023.

Ai 'tiếp tay' cho vi phạm?

Trong những năm qua, việc treo biển tên di tích thuộc di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy luôn là một vấn đề “nổi cộm” khiến các cơ quan chức năng lúng túng chưa có giải pháp xử lý triệt để. Những “lùm xùm” về việc treo biển tên di tích lại nổi sóng dư luận khi ngày 11/10/2021 Cục trưởng Cục Di sản văn hoá Lê Thị Thu Hiền ký Văn bản số 812/DSVH-DT về việc treo biển tên di tích tại Phủ Dầy, trong đó có nội dung: “Cục Di sản văn hoá thống nhất với đề nghị của bà Trần Thị Huệ (thủ nhang Phủ Tiên Hương) về việc treo biển tên di tích là Phủ Chính Tiên Hương. 

Theo một cán bộ Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Vụ Bản cho biết, ngày 25/01/2022 bà Trần Thị Huệ (Thủ nhang Phủ Tiên Hương) đã tự ý treo biển tên di tích là Phủ Chính thay cho Phủ Tiên Hương. Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Vụ Bản cùng UBND xã Kim Thái đã lập biên bản vi phạm, đề nghị giữ nguyên hiện trạng, nhưng bà Huệ không nhất trí và không ký vào biên bản.

 

Quyết định sửa đổi tên gọi thành Di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy (gồm Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Lăng Mẫu Liễu Hạnh) và văn bản gây “tranh cãi” của Cục Di sản văn hoá.

Theo hồ sơ tài liệu, quần thể di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy với 20 di tích, bao gồm các công trình tôn giáo, tín ngưỡng: đình, đền, chùa, phủ, lăng, từ đường, trải khắp trên địa bàn 3 thôn Tiên Hương, Vân Cát và thôn Báng thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Tên gọi 20 di tích thuộc quần thể di tích lịch sử Phủ Dầy thực hiện theo Quyết định số: 09 –VH/QĐ ngày 05/3/1975 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá và Thông tin; Quyết định số: 2330/QĐ-UBND ngày 17/10/2017 của UBND tỉnh Nam Định về việc phê duyệt, công bố danh mục kiểm kê di tích – lịch sử văn hoá trên địa bàn tỉnh Nam Định và kết quả nghiên cứu khảo sát đã được thống nhất công bố, theo đó tên gọi của 20 di tích trong đó có 2 phủ và 1 lăng là phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát, lăng Mẫu Liễu Hạnh.

Gần đây nhất, ngày 28/01/2021 Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã ký Quyết định số 488/QĐ-BVHTTDL về việc sửa đổi tên gọi di tích tại phụ lục Quyết định số: 09-VH/QĐ ngày 21 tháng 02 năm 1975 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá về việc xếp hạng di tích quốc gia, thành Di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy (gồm phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát, lăng Mẫu Liễu Hạnh).

Theo Luật sư Trần Thị Hà, văn bản số 812/DSVH – DT ngày 11/10/2021 của Cục di sản văn hoá là văn bản hướng dẫn (trả lời) không mang tính quy phạm, không có hiệu lực pháp luật thực thi.

Trao đổi với phóng viên về tính pháp lý của các văn bản có liên quan đến tên gọi của các di tích, Luật sư Trần Thị Hà, Công ty Luật TNHH Pharos, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Quyết định số 488/QĐ-BVHTT ngày 28/01/2021 là văn bản hành chính cá biệt, ban hành đúng thẩm quyền căn cứ theo Điều 55 Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), khoản 4 Điều 2 Nghị định 79/2017/NĐ1-CP của Chính phủ quy định chức năng, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch và là một Quyết định hành chính thể hiện quyền lực của cơ quan hành chính nhà nước, buộc các tổ chức cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành. Còn Văn bản số: 812/DSVH – DT ngày 11/10/2021 gửi Sở Văn hoá thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định là văn bản hướng dẫn (trả lời) không mang tính quy phạm, hay nói cách khác là không có hiệu lực pháp luật thực thi mặc dù nội dung  có thể hiện việc yêu cầu thực hiện.

Việc hiểu chưa đúng về quyết định hành chính và văn bản hướng dẫn (Quyết định số: 488/QĐ-BVHTT và văn bản số: 812/DSVH-DT) là một trong những nguyên nhân dẫn đến những “lùm xùm” về việc treo biển tên di tích tại phủ Tiên Hương hiện nay.

Nguồn: https://lsvn.vn/phu-day-nam-dinh-ai-tiep-tay-cho-vi-pham-treo-bien-ten-di-tich-1701932465.html