Kỳ án “sợi dây đồng vô chủ” hé lộ quyền lực độc quyền từ các văn bản thỏa thuận đền bù
Thỏa thuận đền bù hay quyền lực của độc quyền...?
Liên quan đến việc Công ty Ngọc Thảo Hòa Bình kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án số: 05/2023/KDTM –PT ngày 26/07/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình với lý do bản án chưa thấu tình đạt lý khi Cơ quan CSĐT CA tỉnh Hòa Bình đã kết luận không đủ căn cứ để xác minh đối tượng thực hiện hành vi vi phạm, không xác định được chính xác giá trị và sản lượng điện năng thực tế đã mất.
Đồng thời, Viện KSND huyện Lương Sơn cũng cho rằng Tòa án căn cứ vào Điều 7 của Hợp đồng mua bán điện số 14/000042 giữa Công ty Ngọc Thảo và Công ty Điện lực Hòa Bình để buộc Công ty Ngọc Thảo bồi thường thiệt hại trong trường hợp trộm cắp điện và phương pháp xác định điện năng bồi thường đối với hành vi gian lận theo điều 32 của Thông tư số 27/2013/TT – BCT là không có cơ sở.
![]() |
Nơi xảy ra vi phạm thất thoát điện năng ngày 20/05/2015, tủ điện và trạm biến áp được đặt trong căn nhà, có niêm phong và có khóa cửa bảo vệ. |
Còn theo hồ sơ vụ án, ngoài việc căn cứ các quy định của pháp luật, Hợp đồng mua bán điện, điện lực Hòa Bình còn căn cứ vào các bản cam kết của Công ty Ngọc Thảo số:019/2015 ngày 04/06/2015 về việc chấp nhận bồi thường và bản cam kết số: 19/2015 ngày 05/06/2015 về xác nhận thời gian vi phạm và một số văn bản khác để yêu cầu Tòa án phán quyết buộc Công ty Ngọc Thảo phải đền bù lượng điện năng thất thoát trong 37 ngày là 260,663kWh.
Tại các văn bản này Công ty Ngọc Thảo cũng ghi rõ; "thực hiện đầy đủ các yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định, phát sinh từ việc gây thất thoát điện năng tại mỏ đá của công ty sau khi có kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng về vụ việc nêu trên”. Cơ quan CSĐT – CA tỉnh Hòa Bình đã tiến hành điều tra và kết luận: "không đủ căn cứ để xác minh đối tượng thực hiện hành vi vi phạm và không xác định được chính xác giá trị và sản lượng điện năng thực tế để mất”. Tuy nhiên tình tiết này đã không được các cấp Tòa xem xét, đánh giá, trong quá trình giải quyết vụ án.
![]() |
Một trong các chứng cứ gây tranh cãi về tính pháp lý trong việc bồi thường nhưng chưa được Tòa án các cấp xem xét đánh giá toàn diện bản chất, trong quá trình giải quyết vụ án. |
Điều khiến dư luận đang quan tâm và đặt câu hỏi là tại sao Công ty Ngọc Thảo lại “tự nguyện” ký các bản cam kết ngày 04/4/2015 và ngày 05/06/2015 và một số biên bản khác gây bất lợi cho chính họ..?
Trước đó ngày 21/05/2015 tại trụ sở của Công ty điện lực Hòa Bình, công ty Ngọc Thảo cũng ký 02 biên bản số: 01/ BBTTBT/LgS và số 02// BBTTBT/LgS thỏa thuận tiền bồi thường do vi phạm trộm cắp điện, với số tiền bồi thường hơn 13,3 tỷ đồng, thời gian được tính toán đền bù là 1 năm ( từ ngày 20/5/2014 đến ngày vi phạm là 20/05/2015).
![]() |
Luật sư cho rằng các bản cam kết này không những đã hé lộ “quyền lực độc quyền” mà còn có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn để gây sách nhiễu, phiền hà, thu lợi bất chính trong hoạt động điện lực và sử dụng điện được quy định tại Điều 7 Luật điện lực 2004 sửa đổi bổ sung năm 2012. |
Trao đổi với phóng viên, luật sư Hoàng Doanh Trung – Công ty luật PSSLAWYERS – đoàn Luật sư Tp Hà Nội nêu quan điểm: “Các căn cứ pháp lý được điện lực Hòa Bình viện dẫn để buộc Công ty Ngọc Thảo Hòa Bình ký biên bản (01/ BBTTBT/LgS và số 02// BBTTBT/LgS ngày 21/05/2015 ) là chưa có cơ sở pháp lý, trái với các quy định của pháp luật. Bởi lẽ Hợp đồng mua bán điện giữa hai bên, Luật điện lực 2004 cũng như Thông tư 27/2013/TT –BCT mà điện lực Hòa Bình đã viện dẫn không có bất kỳ một điều khoản nào quy định khi xảy ra thất thoát điện năng, các cán bộ điện lực có quyền yêu cầu người sử dụng điện thỏa thuận tính toán đền bù thất thoát điện năng trong vòng 1 năm.
Tại thời điểm điện lực Hòa Bình lập biên bản thỏa thuận (số: 01/ BBTTBT/LgS và số 02// BBTTBT/LgS) cũng chưa có bất kỳ một văn bản nào của chính cơ quan điện lực cũng như của cơ quan chức năng có thẩm quyền kết luận về khoảng thời gian thất thoát điện năng, lượng điện năng thất thoát cũng như “đối tượng” gây thất thoát. Nội dung của 02 bản cam kết này không những đã hé lộ “quyền lực độc quyền” mà còn có dấu hiệu vi phạm Khoản 10 Điều 7 Luật điện lực 2004 sửa đổi bổ sung năm 2012. Sự “độc quyền” được thể hiện rất rõ trong văn bản: “Bên bán điện sẽ cấp điện trở lại ngay sau khi bên vi phạm sử dụng điện thanh toán đầy đủ số tiền nêu trên...” – Luật sư Trung nhấn mạnh.
Mâu thuẫn trong đánh giá các chứng cứ...?
Trao đổi với phóng viên về việc kháng nghị, Ông Nguyễn Văn Dương, Phó Giám đốc Điều hành Công ty Ngọc Thảo bức xúc: “Một chứng cứ thể hiện rất rõ có sự mâu thuẫn về yêu cầu bồi thường của điện lực đó là biên bản thanh lý hợp đồng mua bán điện mà tôi (Dương) ký ngày12/4/2016 với Giám đốc Công ty điện lực Hòa Bình là ông Hà Văn Dần.
Trong biên bản thể hiện "nợ do vi phạm sử dụng điện năm 2015 thì trả ngay sau khi cơ quan công an điều tra kết luận chính thức”.
Trong khi cơ quan CSĐT đã kết luận, không xác định được đối tượng vi phạm và không có cơ sở để tính toán điện năng đã thất thoát, nhưng họ vẫn “phớt lờ” mà lấy các biên bản lập trước khi có kết luận của cơ quan Công an làm chứng cứ và Tòa án phán quyết buộc Công ty Ngọc Thảo bồi thường hơn 3,1 tỷ đồng khiến chúng tôi không tâm phục.
Bởi vì, ngay cả Viện KSND huyện Lương Sơn cũng đã nhận định là “không có căn cứ”, xâm phạm lợi ích hợp pháp của Công ty Ngọc Thảo.
Theo Thiên Thanh - vietmy.net.vn
Nguồn: https://vietmy.net.vn/tim-hieu-phap-luat/ky-an-soi-day-dong-vo-chu-he-lo-quyen-luc-doc-quyen-tu-cac-van-ban-thoa-thuan-den-bu-498809.html
{comment}